Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Hạ lãi suất cho vay về 15%: Đâu là sự thật?

 
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đưa lãi suất cho vay về 15%/năm. Nhiều ngân hàng công bố đã thực hiện, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không thấy đâu. Vậy sự thật ở đâu?

                         <<  Ngân hàng habubank phát triển mạnh  >>


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông báo số 198/TB-NHNN ngày 9/7/2012, các tổ chức tín dụng đã đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ để xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm từ ngày 15/7/2012.

Ai cũng có lý?

Nhiều NHTM như BIDV, Vietcombank, Techcombank, VPBank tuyên bố không chỉ giảm lãi suất đối với các khoản cho vay cũ mà còn dành nhiều gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp: Sài Gòn Thương Tín triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất 13%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp. DongABank đã cho vay khoảng 40 tỷ đồng với lãi suất 12-13%/năm. VIB cũng đăng ký tài trợ 1.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ… Nhưng nói là một chuyện, thực hiện là chuyện khó hơn! Nhiều doanh nghiệp kêu lãi suất vẫn trên mức 15%/năm, thậm chí vẫn có doanh nghiệp phải vay với lãi suất trên dưới 20%/năm. Người vay kêu là đúng. Với mức lãi suất cao như vậy, sản xuất kinh doanh gì cho có lợi nhuận cao mà trả lãi vay ngân hàng!

Nhưng với mấy trăm ngàn doanh nghiệp, đại đa số đều vay vốn ngân hàng làm nguồn vốn chủ yếu, thì một vài doanh nghiệp kêu, hay có cả trăm doanh nghiệp "la" lãi suất cao, vẫn cứ là... thiểu số. Đó là xét về mặt số học. Nhưng công bằng mà nói, dù ít hay nhiều doanh nghiệp kêu lãi suất cao, vẫn phải xem đó là những doanh nghiệp nào? Tại sao? Nói như Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Với các doanh nghiệp, dù có qua khỏi giai đoạn này, nhưng tương lai dự báo rất khó khăn và không có cơ hội phát triển dài hạn thì hệ thống ngân hàng cũng kiên quyết làm sao để có thể loại trừ doanh nghiệp đó. Tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không phải bằng mọi giá và cứu mọi doanh nghiệp". Thống đốc nói có lý. Nhưng thế nào là doanh nghiệp có thể bị loại trừ? Mỗi ngân hàng đều xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại khách hàng. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ không đáp ứng đủ tiêu chí cho vay của ngân hàng nữa (nợ quá hạn, thiếu tài sản thế chấp; hoặc giá trị tài sản thế chấp không đủ do bất động sản đang mất giá...). Vì vậy, nếu để các NHTM tự xem xét, đánh giá thì tất yếu số doanh nghiệp đủ điều kiện "không để cho chết" sẽ rất ít. Đó là chưa kể việc hạ lãi suất về 15%/năm theo điều kiện của NHTM, vô hình trung làm nảy sinh thêm nhiều tiêu cực vì cơ chế gần như kiểu xin - cho.

Ngân hàng giữ thế thủ

Doanh nghiệp muốn được cứu, nhưng ngân hàng cũng không muốn chết theo doanh nghiệp. Vì thế, hành xử tất yếu của nhiều NHTM là "ốc không mang nổi mình ốc, làm sao mang cọc cho rêu". Không phải bỗng dưng NHNN tổ chức hẳn cuộc họp báo về nợ xấu ngân hàng - điều chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử hơn 60 năm của ngành ngân hàng. Nợ xấu đang chiếm 8,6% (khoảng 2,6 triệu tỷ đồng) tổng dư nợ toàn ngành. Không ai dám chắc con số này sẽ dừng ở đây, nếu không muốn nói là sẽ còn nhiều hơn. NHNN công khai nợ xấu, cũng là tìm sự ủng hộ trong chính sách xử lý nợ xấu sắp tới.

Về phía mình, các NHTM biết rõ nhất nợ xấu của họ đang ở mức nào, sẽ tăng đến đâu. Đây chính là lý do khiến họ giữ thế thủ hiện nay. Nguồn thu chính của ngân hàng là từ tín dụng. Bản thân ngân hàng rất muốn tăng cung tín dụng, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Nhưng trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều khó khăn, chính sách liên tục thay đổi, sẽ là mạo hiểm nếu ngân hàng cứ bung ra. Đây chính là lý do ngân hàng giảm lãi suất có chọn lọc. Techcombank khẳng định, họ giảm lãi suất "căn cứ trên hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách hàng và tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp; tập trung ưu tiên giảm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp thân thiết...".

Như vậy, có thể tạm chia doanh nghiệp - những người đã, sắp vay vốn ngân hàng thành các nhóm: nhóm khách hàng thân thiết - được hưởng tối đa những ưu đãi của ngân hàng (nhóm khách hàng mà kiểu gì ngân hàng cũng muốn giữ lại). Nhóm khách hàng đang có quan hệ tín dụng, có khả năng trả nợ: được giảm lãi suất theo yêu cầu của NHNN; xem xét cho vay mới tùy theo điều kiện của ngân hàng. Nhóm khách hàng chấp nhận được mức lãi suất cho vay cao (thường ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn với đánh giá sát sao về độ rủi ro); và nhóm khách hàng để "cho chết" hoặc ngân hàng không muốn mạo hiểm cho vay. Tùy từng điều kiện, chủ trương của mình, các NHTM sẽ điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay của các nhóm khách hàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nhất là một loạt các NHTM vừa có CEO mới - họ sẽ càng tuân thủ yêu cầu: an toàn rồi mới hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của sự phân nhóm mang tính tương đối trên lại là ở sự minh bạch thông tin! Tại sao NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng đưa lãi suất cho vay về mức 15%/năm? Nếu xét trên mức lãi suất huy động phổ biến hiện nay là 9%/năm, cộng thêm các chi phí vốn khác (2%) thì mức lãi suất cho vay 15% vẫn là cao. Vì chênh lệch lãi suất đầu vào - ra ở mức 2 đến 2,5%/năm là hợp lý. Nhưng thực tế chi phí lãi suất đầu vào của một số ngân hàng hiện không ở mức 11%/năm do phải thực hiện các chiêu thức cạnh tranh trong huy động vốn. Mặt khác, lãnh đạo nhiều NHTM cho rằng, với môi trường kinh doanh khó khăn, chính sách lại liên tục thay đổi, việc giãn rộng biên độ lãi suất là hợp lý. Vì thế, có khách hàng được vay với lãi suất chỉ 12%/năm; nhưng có khách hàng phải vay đến 18%/năm. Mức chênh lệch quá lớn về lãi suất cho vay giữa các nhóm khách hàng chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nội bộ các NHTM hiện nay. Và NHTM cũng sẽ khó giải trình với NHNN nguyên nhân thực tế của việc chi phí vốn cao (như vậy là tự thú việc không chấp hành quy định về huy động vốn của NHNN) dẫn đến số khách hàng được giảm lãi suất về 15% còn khiêm tốn.


Về phía các doanh nghiệp, công bằng mà nói, ngân hàng muốn cho doanh nghiệp vay, nhưng họ rất sợ rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp Việt Nam có đặc điểm chung là thường có qui mô nhỏ và rất nhỏ; hoạt động chủ yếu nhờ vốn vay; có nhiều hệ thống sổ sách kế toán cho các "đối tượng" khác nhau. Chính sự không minh bạch thông tin, sổ sách kế toán của doanh nghiệp khiến ngân hàng rất ngại cho vay. Giá vốn cao chính là ở đây. NHNN linh hoạt trong điều hành chính sách; NHTM "nhanh nhạy" trong thực thi chính sách; còn doanh nghiệp thì thạo "chế biến" các con số, dự án… Tổng hòa của sự thiếu minh bạch là thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Kết quả tất yếu là "giá" của sự thiếu minh bạch đã cao ngày càng cao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét